CÁCH BRAINSTORM HIỆU QUẢ BẠN CẦN BIẾT!



CÁCH BRAINSTORM HIỆU QUẢ BẠN CẦN BIẾT!






GIỚI THIỆU

Nếu bạn có ý thức tận dụng các quy trình tư duy tự nhiên của mình bằng cách tập hợp năng lượng của não thành một “cơn bão tư duy”, bạn có thể chuyển đổi các năng lượng này thành những câu từ hoặc sơ đồ sinh động và sáng tạo. Dưới đây là một cuộc thảo luận ngắn gọn về brainstorm là gì, tại sao bạn có thể brainstorm và gợi ý những cách bạn có thể dùng để brainstorm.
Cho dù bạn đang bắt đầu với quá nhiều hay quá ít thông tin, thì việc brainstorm có thể giúp bạn bắt đầu viết bài mới hoặc khởi động lại một dự án cũ còn dang dở. Chúng ta hãy cùng xem xét từng trường hợp:
Khi bạn chẳng có gì: Khi bạn cảm thấy trống rỗng, không có cảm hứng, lo lắng hoặc quá mệt mỏi để viết ra một bản nháp có trật tự thì bạn cần thực sự “tư duy”. Trong trường hợp này, việc brainstorm sẽ đánh bay bụi bặm, thổi làn gió mới vào những suy nghĩ của bạn, và cứ như thế nguồn cảm hứng sẽ được đẩy lên không ngừng.
Khi bạn đã có quá nhiều thông tin: Có những lúc não của bạn vô cùng hỗn loạn và cần tư duy mạch lạc. Trong trường hợp này, việc brainstorm sẽ nắn chỉnh những suy nghĩ tùy tiện và hỗn độn thành một dòng chảy trên trang giấy, giúp bạn hình thành những từ ngữ hay lược đồ cụ thể để bạn có thể sắp xếp chúng theo một mối quan hệ logic.

CÁC KĨ THUẬT BRAINSTORMING

Sau đây là những ý tưởng tuyệt vời về cách brainstorm ý tưởng từ các nhà văn chuyên nghiệp, những tác giả mới vào nghề, những người muốn tránh viết lách, và những người dành rất nhiều thời gian để brainstorm …,vậy làm thế nào để brainstorm?
Hãy thử một vài trong số các kĩ thuật dưới đây và thử thách bản thân để thay đổi những kĩ thuật bạn đang sử dun; một số kĩ thuật có thể chỉ phù hợp với một người viết cụ thể, một nguyên tắc học thuật hay một công việc nào đó hơn là những cái khác. Nếu kỹ thuật đầu tiên bạn thử dường như không hữu ích, hãy bỏ qua ngay và thử những cái khác.

VIẾT TỰ DO – FREEWRITING

Khi thử freewriting, hãy để cho suy nghĩ của bạn tự do tuôn trào, đưa bút và viết ra bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu bạn. Bạn không cần đánh giá chất lượng những gì bạn viết và lo lắng về phong cách hay bất kỳ vấn đề gì về mặt nổi nào như chính tả, ngữ pháp hay cách ngắt nghỉ. Nếu bạn không thể nghĩ ra mình sẽ nói gì, thì hãy viết ra, thật vậy.. Ưu điểm của kĩ thuật này là giúp giải phóng “nhà phê bình” trong bạn và cho phép bạn viết những điều có thể bạn sẽ không viết nếu bạn luôn quá tự cân nhắc suy xét.
Khi freewriting, bạn hãy giới hạn thời gian mình viết (“Tôi sẽ viết trong vòng 15 phút!”) và thậm chí hãy thử dùng máy bấm giờ dùng cho nhà bếp hay đồng hồ báo thức, bạn cũng có thể tự đặt ra giới hạn không gian cho mình (“Dù có bất kỳ điều gì làm phân tâm, tôi cũng sẽ viết đến khi đủ 4 trang giấy! “) và chỉ tập trung viết cho đến lúc đạt được mục tiêu đó. Bạn có thể làm điều này trên máy tính hoặc trên giấy, thậm chí có thể thử khi nhắm mắt hoặc tắt màn hình máy tính, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ và tư duy tự do.
Điểm mấu chốt là bạn viết liên tục ngay cả khi bạn tin rằng bạn không có gì để nói. Từ này nối tiếp từ kia, không cần liên quan. Bản viết freewriting của bạn có thể như thế này:
“Bài viết này nói về chính trị trong sản xuất thuốc lá, nhưng mặc dù tôi đã nghe tất cả bài giảng và đọc sách, tôi vẫn chẳng thể nghĩ ra có gì để nói và tôi cảm thấy như thế 4 phút đã trôi qua và tôi chỉ còn 11 phút còn lại, và tôi tự hỏi nếu tôi tiếp tục không suy nghĩ gì cả trong mỗi phút trôi qua, nhưng tôi không chắc việc tôi đang bập bẹ như thế này có vấn đề gì không và tôi không biết phải nói gì về chủ đề này, và hôm nay trời mưa và tôi không bao giờ nhận thấy số vết nứt trên bức tường đó trước đây, và những vết nứt đó đã nhắc tôi về những bức tường trong nghiên cứu của ông tôi, và ông hút thuốc và ông làm nông và tôi tự hỏi tại sao ông không trồng thuốc lá … “
Khi bạn đã hoàn thành đúng thời gian hoặc đã đạt đến mục tiêu về số trang của mình, hãy đọc lại bài viết đó. Vâng, sẽ có rất nhiều điều cần bổ sung và những ý tưởng cần loại bỏ, nhưng cũng sẽ có ý tưởng đắt giá, những khám phá và hiểu biết sâu sắc. Khi bạn tìm thấy những ý tưởng đắt giá này, hãy highlight hoặc cắt và dán chúng vào bản nháp hoặc vào một tờ giấy có ghi “ý tưởng” để bạn có thể sử dụng chúng trong bài viết của mình. Kể cả khi bạn chẳng tìm viên kim cương nào, thì ít nhất bạn có thể đã làm vơi đi sự hỗn loạn trong tâm trí hay thúc đẩy khả năng viết lách của mình để đối mặt với các chủ đề cho trước.

CHIA NHỎ CHỦ ĐỀ THEO MỨC ĐỘ

Khi đã có sẵn chủ đề đặt trước mặt mình, bạn hãy brainstorm về:
  • Chủ đề chung, kiểu như “mối quan hệ giữa trái cây nhiệt đới và quyền lực thuộc địa”
  • Một chủ đề cụ thể hơn hoặc câu hỏi yêu cầu, kiểu như “Sự sẵn có của nhiều loại trái cây nhiệt đới ảnh hưởng gì đến tính cạnh tranh giữa các cường quốc thuộc địa trong giao thương từ các hòn đảo Caribê trong thế kỷ 19?”
  • Một thuật ngữ hoặc cụm từ mà bạn cảm thấy bạn đang dùng lặp lại quá nhiều trong bài viết. Ví dụ: Nếu cảm thấy rằng bạn đã viết “gia tăng sự cạnh tranh” khoảng chục lần trong bài viết “trái cây nhiệt đới” của mình, bạn có thể brainstorm từ đồng nghĩa của chính cụm từ đó hoặc của mỗi thuật ngữ như “gia tăng” hay “cạnh tranh”.

LÊN DANH SÁCH

Trong kỹ thuật này, bạn sẽ ghi lại danh sách các từ hoặc cụm từ theo một chủ đề cụ thể. Bạn có thể lập danh sách theo:
  • Chủ đề chung
  • Một hoặc nhiều từ luận điểm chi tiết
  • Một từ hay ý tưởng hoàn toàn trái ngược với từ hoặc ý tưởng ban đầu của bạn.
Ví dụ, nếu nhiệm vụ cơ bản của bạn là viết về sự thay đổi của những sáng chế theo thời gian, và luận điểm cụ thể của bạn là “thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của một số lượng lớn các sáng chế đã thúc đẩy xã hội Hoa Kỳ bằng cách cải thiện vị thế của xã hội thế kỷ 19” bạn có thể brainstorm hai danh sách khác nhau để đảm bảo rằng bạn đang bao quát chủ đề một cách triệt để và chứng minh luận điểm dễ dàng.
Danh sách thứ nhất dựa trên luận điểm của bạn; bạn sẽ ghi lại càng nhiều phát minh ở thế kỷ 20 càng tốt, miễn là bạn biết những ảnh hưởng tích cực của chúng đối với xã hội. Danh sách thứ hai dựa trên luận điểm ngược lại, bạn sẽ liệt kê những phát minh làm suy giảm chất lượng xã hội. Bạn có thể làm hai danh sách tương tự cho các phát minh thế kỷ 19 và sau đó so sánh bằng chứng từ cả bốn danh sách.
Sử dụng nhiều danh sách như trên sẽ giúp bạn có nhiều quan điểm và cách nhìn về chủ đề và đảm bảo chắc chắn rằng, luận điểm của bạn vô cùng chắc chắn, hoặc, …, nếu luận điểm của bạn có những lỗ hổng thì bạn nên điều chỉnh nó để dễ chứng minh.

3 QUAN ĐIỂM

Nhìn nhận điều gì đó từ những quan điểm khác nhau sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách tổng quan hơn hoặc ít nhất theo cách hoàn toàn khác, giống như việc cái bàn trên sàn đã trông rất khác so với cái bàn đặt ở chỗ khác. Để sử dụng chiến lược này, hãy trả lời các câu hỏi dưới cho một trong ba quan điểm dưới đây, sau đó tìm ra mối quan hệ thú vị hoặc không hợp lý giữa chúng.
1. Mô tả vấn đề: Mô tả chủ đề của bạn một cách chi tiết. Chủ đề của bạn là gì? Nó bao gồm những gì? Các chi tiết  thú vị và khác biệt của nó là gì? Vấn đề cần giải quyết là gì? Phân biệt chủ đề của bạn với những chủ đề tương tự. Chủ đề của bạn khác với những người khác như thế nào?
2. Tìm về nguồn gốc của vấn đề: Chủ đề của bạn bắt nguồn từ đâu? Nó đã thay đổi theo thời gian như thế nào? Tại sao lại thế? Những sự kiện quan trọng nào có ảnh hưởng đến chủ đề của bạn?
3. Lập bản đồ: Chủ đề của bạn liên quan đến chủ đề nào? Nó bị ảnh hưởng bởi điều gì và như thế nào? Nó có ảnh hưởng gì? Ảnh hưởng ra sao? Ai liên quan tới chủ đề của bạn? Tại sao? Bạn sẽ liệt kê những lĩnh vực nào để nghiên cứu chủ đề của bạn? Tại sao? Chủ đề của bạn đã được người khác tiếp cận như thế nào? Công việc của họ liên quan đến công việc của bạn như thế nào?

CUBING

Kĩ thuật Cubing cho phép bạn tiếp cận chủ đề của mình từ sáu hướng khác nhau; giống như một khối lập phương sáu mặt, kĩ thuật brainstorming cubing  sẽ dẫn đến sáu khía cạnh/cách tiếp cận chủ đề. Lấy một tờ giấy, nghiền ngẫm về chủ đề và làm theo sáu bước sau.
  1. Miêu tả
  2. So sánh
  3. Liên kết
  4. Phân tích
  5. Áp dụng
  6. Tranh luận và phản biện
Xem lại những gì bạn đã viết. Bạn có thấy những động thái phản hồi này gợi ý được điều gì mới cho topic của mình? Bạn có nhận thấy sự tương tác giữa các khía cạnh không? Nghĩa là, bạn có thấy các phần lặp lại, hoặc ý chính nổi bật mà bạn có thể sử dụng để tiếp cận chủ đề hoặc phác thảo luận điểm? Có khía cạnh nào có ích cho việc tư duy hay suy nghĩ của bạn? Liệu một mặt có thể giúp bạn phác họa ra luận điểm đó hay không? Hãy sử dụng kỹ thuật này theo cách để phục vụ chủ đề của bạn. Nếu không mang lại sự tập trung rõ nét hơn vào việc bạn sẽ làm gì với chủ đề đó thì ít nhất nó cũng mang lại cho bạn cái nhìn rộng hơn về tính phức tạp của chủ đề.

SIMILES

Trong phương pháp này, hãy hoàn thành câu sau:
____________________ là / đã / đang / đã như _____________________.
Trong khoảng trống đầu tiên đặt một trong những chủ đề hoặc khái niệm mà bài viết của bạn tập trung vào. Sau đó cố gắng brainstorm càng nhiều câu trả lời càng tốt cho khoảng trống thứ hai, ghi lại những gì nảy ra trong đầu bạn.
Sau khi đã tạo ra một danh sách các lựa chọn, hãy nhìn qua các ý tưởng của bạn. Những ý tưởng nào có thể sử dụng được? Bạn có tìm thấy những mẫu hình hay sự liên kết nào không?

GỘP LẠI/VẼ SƠ ĐỒ/WEBBING

Ý tưởng chung:
Kỹ thuật này có ba tên khác nhau (hoặc nhiều hơn), theo cách bạn mô tả những hoạt động hoặc sản phẩm cuối cùng như thế nào. Nói tóm lại, hãy viết những cụm từ khác nhau lên giấy theo cách ngẫu nhiên, sau đó quay lại để liên kết các từ này với nhau thành một loại “bản đồ” hoặc “web”, từ đó tạo thành các nhóm từ với các phần riêng biệt. Hãy cứ cho phép mình bắt đầu với sự hỗn loạn. Sau khi sự hỗn loạn vơi đi, bạn có thể tạo ra một vài thứ tự từ những điều gì trên
Để thực sự tiếp nhận kỹ thuật brainstorm này, hãy sử dụng một tờ giấy lớn hoặc dán hai tờ lại với nhau. Bạn cũng có thể sử dụng bảng đen nếu bạn đang làm việc nhóm. Không gian lớn theo chiều dọc này cho phép tất cả các thành viên có thể “brainstorm” cùng một lúc, nhưng sau đó bạn phải viết lại kết quả xuống giấy. Nếu không tờ có giấy lớn cũng đừng lo lắng. Bạn có thể thực hiện trên cỡ giấy tiêu chuẩn 8 ½” x 11 cũng được.
Vậy cách làm là gì:
1. Lấy giấy và viết chủ đề chính của bạn ở giữa, dùng khoảng một, hai hoặc ba từ.
2. Ở phía xa trung tâm tờ giấy, hãy lấp đầy khoảng trống bằng cách nào cũng được, bắt đầu ghi nhanh các khái niệm hoặc thuật ngữ liên quan có thể liên kết với chủ đề trung tâm. Ghi lại chúng nhanh chóng rồi chuyển đến những khoảng trống khác, tiếp tục viết, và cứ thế tiếp tục di chuyển xung quanh và viết. Nếu đã viết hết các khái niệm tương tự, hãy ghi lại sự đối lập, ghi lại cả những thứ chỉ liên quan một chút, hoặc thậm chí cứ ghi lên tên ông của bạn, nhưng cố gắng tiếp tục di chuyển và liên kết chúng. Đừng lo lắng về (sự thiếu) ý nghĩa của những gì bạn viết, vì bạn có thể chọn giữ lại hoặc ném đi những ý tưởng khi viết xong.
3. Một khi “cơn bão tư duy” đã lắng xuống và phải đối mặt với hàng loạt các cụm từ, bạn có thể bắt đầu gộp chúng lại. Khoanh tròn những khái niệm có vẻ liên quan rồi nối lại với nhau. Hãy tìm và khoanh tròn chúng, rồi vẽ thêm nhiều đường nối giữa những gì bạn nghĩ có liên quan chặt chẽ. Khi không còn các thuật ngữ có vẻ liên quan với nhau, hãy bắt đầu với một thuật ngữ khác. Tìm các khái niệm và thuật ngữ khác có thể liên quan đến thuật ngữ đó. Khoanh tròn và sau đó nối chúng lại. Tiếp tục quy trình này cho đến khi bạn tìm thấy hết tất cả các thuật ngữ liên quan. Một số thuật ngữ có thể không được khoanh tròn, nhưng những từ “bị bỏ lại” này cũng có thể hữu ích cho bạn. (Lưu ý: Bạn có thể sử dụng bút highlight / bút chì / phấn cho phần này tùy thích. Nếu không thể, hãy thử thay đổi loại đường bạn sử dụng để khoanh tròn các chủ đề, sử dụng đường lượn sóng, đường thẳng, đường nét đứt, đường chấm, đường kẻ ziczac, vv để xem cái gì hợp với cái gì)
4. Vậy đó! Khi bạn lùi ra xa và xem lại thành quả của mình, bạn sẽ thấy một tập hợp các cụm, một trang web lớn, hoặc một loại bản đồ: do đó tên cho hoạt động này là như vậy. Tại thời điểm này, bạn có thể bắt đầu đưa ra kết luận về cách tiếp cận chủ đề của bạn. Có hàng tá kết quả có thể sử dụng sau khi thực hiện hoạt động này, nhiều như sao trên trời đêm vậy, vì vậy những gì bạn làm sẽ phụ thuộc vào kết quả cụ thể của bạn. Hãy lấy một hoặc hai ví dụ để minh họa cách bạn tạo ra một số mối liên hệ logic giữa các nhóm từ đã được gộp lại và nhóm từ đơn lẻ mà bạn đã quyết định giữ lại. Vào cuối ngày, việc bạn sẽ làm gì với “bản đồ” hoặc “cụm thiết lập” hoặc “web” cụ thể mà bạn tạo ra phụ thuộc vào những gì bạn cần. Bản đồ hoặc web này nói cho bạn điều gì? Hãy khám phá một hoặc hai lựa chọn và bắt đầu bản nháp của bạn!

MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC PHẦN

Trong kỹ thuật này, hãy bắt đầu bằng cách viết các cặp thuật ngữ sau đây trên các lề trái của một tờ giấy:
WholeParts
PartParts of Parts
PartParts of Parts
PartParts of Parts
Nhìn qua bốn nhóm cặp này, và bắt đầu điền các ý tưởng của bạn bên dưới mỗi tiêu đề. Tiếp tục điền vào những tầng ở dưới càng nhiều càng tốt. Bây giờ, hãy nhìn vào các phần khác nhau, bao gồm các phần thuộc cả chủ đề. Bạn có thể rút ra kết luận gì dựa trên những hình mẫu, hay bạn có thấy thiếu hình mẫu nào không?

ĐẶT CÂU HỎI KIỂU BÁO CHÍ

Trong kỹ thuật này bạn sẽ sử dụng sáu câu hỏi lớn mà các nhà báo dựa vào để nghiên cứu kỹ càng một câu chuyện. Sáu câu hỏi gồm: Ai?, Cái gì?, Khi nào? Ở đâu?, Tại sao? và Như thế nào? Viết từng câu hỏi trên một tờ giấy, nhớ chừa khoảng trống giữa chúng.
Sau đó, viết ra một số câu hoặc cụm từ trả lời phù hợp với chủ đề cụ thể của bạn. Bạn cũng có thể ghi âm lại câu trả lời nếu bạn muốn ra những ý tưởng của mình.
Bây giờ hãy nhìn qua hàng loạt câu trả lời. Bạn có thấy rằng bạn có nhiều điều để nói về một hoặc hai câu hỏi không? Câu trả lời của bạn cho mỗi câu hỏi có cân bằng được về chiều sâu và nội dung không? Có câu hỏi nào mà bạn không thể trả lời được? Làm thế nào việc tư duy này giúp bạn quyết định cách mình tổ chức luận điểm hay sắp xếp bài viết của mình?
Hoặc việc này có giúp bạn nhận ra bạn cần làm gì hơn nữa không, nghiên cứu trên thư viện, tham gia phỏng vấn hay ghi note nhiều hơn?
Ví dụ: nếu câu trả lời tiết lộ rằng bạn biết nhiều hơn về câu hỏi “ở đâu” và “tại sao” hơn những gì bạn biết về “cái gì” và “khi nào”, bạn sử dụng sự thiếu cân bằng này để tìm ra hướng nghiên cứu hoặc hình thành bài viết của mình như thế nào? Làm cách nào bạn có thể sắp xếp bài viết để nhấn mạnh đến các khía cạnh đã biết cũng như các khía cạnh chưa biết trong lĩnh vực nghiên cứu? Bạn có thể làm gì khác với kết quả của mình?

TƯ DUY VƯỢT GIỚI HẠN – THINKING OUTSIDE THE BOX

Ngay cả khi đang viết trong một khuôn khổ học thuật cụ thể, bạn có thể tận dụng kinh nghiệm trong các học kỳ của khóa học từ các bộ phận khác.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang viết bài báo cho một khóa học tiếng Anh. Bạn có thể tự hỏi mình, “Hmmm, nếu tôi đã viết về chủ đề tương tự trong môn sinh học hoặc sử dụng thuật ngữ này trong môn lịch sử, làm cách nào tôi có thể cảm nhận hoặc hiểu nó theo một cách khác? Có những định nghĩa khác nhau cho khái niệm này trong từng vấn đề, ví dụ, dưới góc độ triết học hay vật lý thì có thể khiến tôi suy nghĩ về thuật ngữ này với quan điểm mới hơn, phong phú hơn chăng? “
Ví dụ, khi thảo luận về “văn hoá” trong tiếng Anh, trong môn học về  giao tiếp hoặc văn hoá, bạn có thể kết hợp định nghĩa “văn hoá” (culture) thường được sử dụng trong môn sinh học. Bạn nhớ món Petri trong phòng thí nghiệm ở trường trung học chứ? Những món ăn trên được sử dụng để “nuôi cấy” (culture)  vi khuẩn phát triển và để phân tích, phải không? Làm thế nào nó có thể giúp bạn viết nếu bạn nghĩ đến “văn hoá” như một chất môi giới, mà nhờ vào đó một số thứ sẽ được nuôi dưỡng, sẽ phát triển theo những cách mới hoặc thậm chí còn phát triển hơn cả mong đợi, nhưng cũng nhờ vào đó, những thứ khác có thể tăng trưởng chậm lại, thay đổi rõ rệt hoặc dừng lại hoàn toàn?

SỬ DỤNG BẢNG BIỂU VÀ HÌNH KHỐI

Nếu bạn có khuynh hướng thiên về thị giác hơn, bạn có thể tạo biểu đồ, đồ thị, bảng thay cho danh sách từ, cụm từ khi bạn cố gắng định hình hoặc khám phá ý tưởng. Bạn có thể sử dụng các từ/ cụm từ giống nhau làm trung tâm cho chủ đề của mình và thử các cách khác nhau để sắp xếp chúng theo không gian, thông qua đồ thị,, hình lưới, bảng hoặc biểu đồ. Bạn thậm chí có thể thử kiểu sơ đồ đã được sử dụng phổ biến. Cách này giúp bạn thoát khỏi việc chỉ sử dụng những từ đơn lẻ và nhận ra các ý tưởng của bạn liên kết với nhau như thế nào khi được thể hiện qua các không gian khác nhau. Nếu bạn không thể tưởng tượng được hình dạng của một biểu đồ lúc đầu, chỉ cần đặt các từ lên trang giấy và sau đó vẽ các đường nối ở giữa hoặc xung quanh chúng. Hãy nghĩ về một hình khối nào đó. Ý tưởng của bạn có dễ diễn tả qua hình tam giác không? Hay hình chữ nhật? Hình ô? Bạn có thể viết một số ý tưởng theo đường song song? Hay trên một đường thẳng?

CHÚ Ý TỚI MỤC ĐÍCH VÀ ĐỐI TƯỢNG

Hãy nghĩ về các phần của sự giao tiếp, điều này xuất hiện trong bất cứ ngữ cảnh nói hay viết nào, đó là: mục đích và đối tượng
Mục đích của bạn là gì?
  • Bạn đang cố làm gì? Động từ nào thể hiện ý định của bạn? Bạn đang cố thông báo? Thuyết phục? Miêu tả? Mỗi mục đích sẽ dẫn bạn tới một loạt các thông tin khác nhau và giúp bạn định hình các dữ liệu để sử dụng hay loại trừ chúng khỏi bản nháp của mình. Hãy viết về lý do tại sao bạn viết bản nháp theo cấu trúc này.
Đối tượng của bạn là ai?
  • Bạn đang giao tiếp với ai ngoài người đánh giá? Những đối tượng giao tiếp cần biết những điều gì? Họ đã biết những gì? Thông tin nào mà đối tượng cần trước đầu tiên, thứ hai và thứ ba? Viết về những người sẽ giao tiếp với bạn và những gì họ cần.

TỪ ĐIỂN, TỪ ĐỒNG NGHĨA, BÁCH KHOA TOÀN THƯ

Khi tất cả các phương pháp khác thất bại… thì hãy thử cách này. Đây là phương pháp đã được các nhà văn ở cấp độ khác nhau thử nghiệm và yêu thích. Đến khu vực tham khảo của thư viện hoặc các giá sách chuyên dụng phục vụ cho việc viết lách để tham khảo các loại từ điển, từ điển đồng nghĩa, bách khoa toàn thư hay các bản online của chúng (hoặc sách hướng dẫn khác và tài liệu tham khảo). Đôi khi những bước cơ bản này lại là những điều tốt nhất. Chắc chắn rằng bạn sẽ học được một số điều mà bạn không biết.
Nếu đang đọc một bản copy tài liệu tham khảo, hãy tìm kiếm các thuật ngữ quan trọng nhất và xem những loại nào bạn tìm thấy trong các định nghĩa. Định nghĩa khó hiểu hay cổ xưa có thể giúp bạn đánh giá chiều rộng của thuật ngữ hoặc nhận ra ý nghĩa của nó đã thay đổi như thế nào khi ngôn ngữ thay đổi. Bằng cách nào đó, những điều mà bạn nhận ra có thể đi vào những bài viết của mình?
Nếu bạn truy cập các nguồn tài liệu trực tuyến, hãy sử dụng các chức năng tìm kiếm để tìm ra các định nghĩa chính của bạn và xem những đề xuất mà họ đưa ra. Ví dụ: nếu bạn tìm từ “tốt” trong mục tìm kiếm của từ điển đồng nghĩa, bạn sẽ thấy có tới 14 mục khác nhau. Whew! Nếu bạn phân tích bộ phim Good Will Hunting, hãy tưởng tượng làm thế nào bạn có thể làm phong phú thêm bài viết của bạn bằng cách chỉ ra sáu hoặc bảy cách mà từ  “tốt” có thể được diễn giải theo cách mà các khung cảnh, ánh sáng, các chỉnh sửa, nhạc phim … làm nổi bật nhiều khía cạnh khác nhau của từ “Tốt”.
Bách khoa toàn thư đôi khi là nguồn tài nguyên có giá trị nếu bạn cần làm rõ sự thật, nắm nhanh background, hoặc có một cái nhìn rộng hơn về ngữ cảnh cho một sự kiện, một đề mục nào đó. Nếu bạn đang mắc kẹt bởi vì cảm giác mơ hồ về một vấn đề dường như là quan trọng, hãy nhanh chóng tìm chúng trong đống tài liệu tham khảo này và bạn có thể có thể tiến thêm những bước mới với ý tưởng của mình.

KẾT LUẬN

Khi đã có đầy đủ các phương pháp brainstorming, đối mặt với các tài liệu, các ý tưởng đã được viết ra, các chủ đề được liệt kê, hay các “web” đan xen như mạng nhện liên quan đến bài viết của mình,  bạn sẽ làm gì bây giờ?
Hãy thực hiện bước tiếp theo, là bắt đầu viết bản nháp đầu tiên hoặc điền vào những khoảng trống mà bạn đã dành thời gian brainstorm để hoàn thành bài viết “gần như đã sẵn sàng” của mình. Nếu bạn thích dàn ý trước, hãy kết hợp càng nhiều dữ liệu bạn đã brainstorm sẽ càng hợp lý với bạn. Nếu bạn không thích, thì đừng làm. Thay vào đó, hãy viết ra những đoạn văn dài hơn (một nhóm lớn gồm nhiều câu hoặc các đoạn văn đầy đủ) để mở rộng những nhóm từ và cụm từ nhỏ hơn. Tiếp tục xây dựng từ đó các phần lớn hơn trong bài viết của mình. Bạn không nhất thiết phải bắt đầu từ đầu bản nháp. Hãy bắt đầu viết từ những phần dễ kết hợp nhất trước. Bạn luôn có thể quay lại để viết phần mở đầu sau.
Hãy nhớ rằng, bất cứ khi nào bạn bắt đầu với bài viết của mình, cứ thoải mái dừng lại và thử các phương pháp brainstorm khác. Hãy luôn giữ năng lượng luôn tràn đầy, hãy trải nghiệm những phương pháp khác nhau để tìm hiểu xem phương pháp nào là phù hợp với bạn hoặc dự án cụ thể mà bạn theo đuổi.

Kỹ năng mềm trong giao tiếp


1. Trò chuyện



Đây là hình thức giao tiếp cơ bản nhất nhưng có sức mạnh phi thường nhất. Hãy make friends – kết bạn nếu bạn muốn bước ra thế giới. Nếu ta không thân thiện, không bắt chuyện được với một người lạ thì làm sao ta có những mối quan hệ mới.

2. Ngôn ngữ hình thể



Chắc ai cũng biết khi giao tiếp, dưới 10% là lời nói và trên 90% là ngôn ngữ hình thể. Vậy chắc mình phải chú ý một chút đến ngôn ngữ hình thể của bản thân khi giao tiếp? Bạn thử chú ý xem mình đang sử dụng ngôn ngữ không lời này thế nào khi đang trò chuyện với người khác nhé. Bạn có đang đứng/ngồi thẳng, đầu ngẩng cao và thẳng? Bạn có hay nhịp tay nhịp chân lung tung? Bạn có nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi trò chuyện? Tự mình theo dõi ngôn ngữ hình thể của mình và chỉnh cho tích cực. Bạn sẽ giao tiếp tốt hơn.

3. Viết



Viết không có nghĩa là thành nhà văn. Người giao tiếp tốt viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, và tránh gây hiểu lầm. Lần sau viết một cái email, bạn thử đọc lại xem có được như vậy hay chưa? Khi đọc email người khác, bạn thử phân tích xem họ viết có tốt không? Nếu không thì tại sao không và mình có thể học gì để có thể viết tốt hơn như thế?

4. Trình bày



Đã đi làm, dù là làm công hay làm chủ, bạn đều phải đứng lên trình bày trước một nhóm người. Giao tiếp tốt là khi bạn có thể trình bày một cách chính xác, tự tin, rõ ràng, và thu hút người nghe.

5. Giải hoà



Hay nói nghiêm trọng hơn là khả năng giải quyết vấn đề khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, dù là trong nội bộ công ty hay với người ngoài. Làm sao bạn có thể lắng nghe cả hai phía và tìm ra một giải pháp tối ưu, hợp tình hợp lý cho cả hai bên?

6. Đàm phán



Trong cuộc sống cũng như trong công việc, ngày nào ta cũng phải đàm phán nhiều chuyện khác nhau, từ chuyện hợp đồng với khách hàng đến chuyện lương thưởng trong nội bộ. Người đàm phán tốt biết cần đàm phán lúc nào, có kiến thức và chuẩn bị đầy đủ thông tin, và luôn tự tin và sử dụng đúng ngôn ngữ khi đàm phán.

7. Tranh luận



Không phải là cãi nhau nhé. Để có thể làm việc đội nhóm, bạn cần phải tranh luận về ý kiến của nhóm khi cùng bàn bạc đưa ra phương án tốt nhất. Tranh luận có nghĩa là trình bày chính kiến của mình một cách rõ ràng, dễ hiểu, thuyết phục, không phải để thắng thua mà là để đóng góp.

8. Dẫn dắt



Đó là khả năng truyền cảm hứng, khả năng lan toả sự tự tin, niềm đam mê và niềm tin vào đội nhóm của mình. Bạn có thể làm điều đó bằng thông điệp của mình, bằng chính sự hành xử hàng ngày của bản thân, bằng cách giữ hình ảnh chân phương của mình dù trong hoàn cảnh nào.

9. Giao tiếp đa kênh



Trong thời đại công nghệ này, giao tiếp không chỉ là đối thoại. Trong công việc, bạn phải sử dụng đủ mọi kênh, thường xuyên họp xuyên biên giới trên Skype, giải quyết vấn đề và thông tin qua các app như whatsapp, viber, line, wechat, FB messenger…. Mình cần phải biết khi nào cần sử dụng kênh nào và cần sử dụng thành thạo để làm việc và giao tiếp hiệu quả hơn.

10. Lắng nghe



Đây có lẽ là kỹ năng mềm giao tiếp quan trọng nhất. Chỉ bằng cách lắng nghe tích cực, ta mới có thể trò chuyện, tranh luận, đàm phán, dẫn dắt, giải hoà…. Kỹ năng này là nền tảng giúp bạn giao tiếp tốt.
Có khả năng giao tiếp tốt – nói một dòng ngắn nhưng rất nhiều kỹ năng mềm trong giao tiếp ứng xử bạn cần phát triển. Các bạn suy nghĩ nhé.

BÍ KÍP GIÚP CẢI THIỆN TRÍ NHỚ


CÁC LOẠI TRÍ NHỚ

Trí nhớ được phân loại như hình dưới đây:


Ngắn gọn lại, có hai loại trí nhớ tồn tại mà chúng ta có thể xem xét, bao gồm: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
  • Trí nhớ làm việc (ngắn hạn) là khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin cùng một lúc.
  • Trí nhớ dài hạn là khả năng lưu trữ thông tin lâu hơn một vài giây.
Bạn có đi đến cửa hàng mà không lên danh sách các đồ cần mua, bạn nghĩ bạn sẽ nhớ tất cả mọi thứ nhưng cuối cùng phát hiện ra bạn đã quên một số mặt hàng sau khi về nhà? Đó là giới hạn của trí nhớ ngắn hạn, mà là một loại “ghi chú” trong đầu mà chúng ta sử dụng cho đến khi chúng ta cần.
Bạn có còn nhớ sinh nhật sếp cũ mặc dù lần cuối cùng bạn nhìn thấy ông ta là vào năm 1985? Đó là công việc của trí nhớ dài hạn, đề cập đến thông tin trong một khoảng thời gian dài.

NHƯNG LIỆU CÓ THỂ RÈN LUYỆN CHÚNG KHÔNG?

Nhờ tính khả biến thần kinh, não của con người có khả năng thay đổi, phát triển, và trở nên tốt hơn trong suốt cuộc đời, câu trả lời là có. Ý tưởng lớn là, não của chúng ta là một bó cơ: những thói quen hàng ngày quyết định cách nó hoạt động, ảnh hưởng đến tất cả các tế bào và các kết nối thần kinh, bao gồm trí nhớ.
Vậy, những thủ thuật nào có thể  sử dụng để cải thiện trí nhớ?

CHO KẾT QUẢ NGAY LẬP TỨC (ĐÀO TẠO TRÍ NHỚ NGẮN HẠN)

Trung tâm điều hành của vùng vỏ não phía trước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nó giữ thông tin có sẵn khi chúng ta cần trong quá trình xử lý hiện tại, cũng như gọi những thông tin khác từ các bộ phận khác trong não.
Để trí nhớ làm việc tốt hơn, dưới đây là ba bí kíp:

NÓI THÀNH TIẾNG NHỮNG GÌ BẠN LÀM

Để cho phép trí nhớ ngắn hạn hoạt động, các bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng tín hiệu mỗi khi bạn làm gì một cách ngẫu nhiên. Khi nói cái gì đó ra thành lời sẽ giúp bạn ghi nhớ và từ đó tạo ra sự hiệu quả..
Chuyên gia về tập luyện trí nhớ và sức khoẻ bộ não Cynthia Green khuyên bạn nên nói nói ra những thứ nhỏ nhặt hàng ngày để dễ ghi nhớ. Vậy làm thế nào để thực hiện được điều đó?
Giả sử bạn cần phải đóng cửa và khóa trước khi đi làm. Nói to: “Tôi lấy chìa khóa. Tôi khóa cửa.” Có nhiều ví dụ khác như:
  • “Tôi tắt đèn trong phòng.”
  • “Tôi để điện thoại vào trong túi.”
  • “Tôi mua sữa”, v.v …
Đừng sợ nó kì cục. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với chính mình, hãy phát âm những cụm từ đó trong suy nghĩ nhưng vẫn phải rõ ràng nhé.

SUY NGHĨ LỚN HƠN

Bộ não của chúng ta có thể xử lý một lượng thông tin giới hạn cho mỗi đơn vị thời gian, tốt hơn là kết hợp nó thành các phần nhỏ hơn để vượt qua những giới hạn đó và nhớ nhiều hơn.
Chuyên gia về rèn luyện trí nhớ và sức khoẻ não Gary Small chia sẻ những lời khuyên thiết thực về cách thực hiện điều đó:
  • Thay vì cố gắng nhớ từng số mật khẩu (3, 8, 2, 7), hãy kết hợp nó thành 38 và 27. Vì vậy, bộ não sẽ phải nhớ chỉ hai con số chứ không phải là bốn.
  • Thay vì nhớ năm sản phẩm để mua trong siêu thị (thịt, salad, sữa, cháo và bánh mì), hãy nghĩ đến hai khái niệm: bữa tối (bánh mì kẹp thịt) và bữa ăn sáng (cháo sữa).
Được biết đến như là kỹ thuật kết hợp nhiều đơn vị thông tin thành 1 đơn vị ít hơn (chunking) giúp bạn dễ dàng nhớ thông tin. Kỹ thuật này liên quan đến việc tìm kiếm mẫu trong các mục và nhóm chúng sao cho phù hợp. Theo lời giải thích của nhà thần kinh học Cambridge, Daniel Bor: “Quá trình móc nối, liên kết nhiều thông tin nguyên thủy, rời rạc để tạo thành một thông tin có ý nghĩa là điều quan trọng trong học tập và nhận thức thậm chí là quá trình tích lũy kinh nghiệm của mỗi con người”
Với việc bộ não con người chủ yếu tìm kiếm các mô hình và kết nối, không có gì ngạc nhiên khi kỹ thuật chunking hoạt động rất hiệu quả.

ĐỪNG HOẢNG SỢ

Nói thì dễ hơn làm, đặc biệt khi chúng ta đang làm bài kiểm tra hay tham gia một buổi phỏng vấn xin việc căng thẳng. Những nỗ lực điên cuồng để gợi nhớ lại kiến ​​thức sẽ không mang lại gì ngoài sự đóng băng của não. Điều đó xảy ra vì các hormone stress cortisol, mà khi nó tăng lên, gây cản trở cho trí nhớ thực hiện hoạt động nhắc lại.
Theo nghiên cứu, những người có nồng độ cortisol cao gặp khó khăn trong việc lấy lại ký ức bởi vì hormone stress này liên kết với các thụ thể não chịu trách nhiệm về cơ chế học tập và trí nhớ. Để phá vỡ chu kỳ và không cho phép cortisol làm suy giảm trí nhớ khi làm việc, chúng ta cần phải kiểm soát sự lo lắng trong tình huống căng thẳng.
Các chiến thuật nên thử là:
  • Hít thở sâu (để cân bằng lượng oxy và carbon dioxide);
  • Nghĩ đến điều gì khác hơn là sự hoảng sợ (để tập trung tư tưởng và gửi thông điệp đến não chúng ta rằng không có nguy hiểm ở đây cả);
  • Tập trung vào các giác quan trong một vài phút (để làm chậm các triệu chứng cơ thể không mong muốn);
  • Hình dung cái gì đó dễ chịu, nghe tiếng chim bên ngoài, tập trung vào mùi xung quanh, vv
Tất cả những chiến thuật trên đều là những kỹ thuật thư giãn giúp làm giảm sự lo lắng và vì thế, giảm cortisol. Có rất nhiều chiến thuật, nhưng nói chung ba chiến thuật nói trên là để huấn luyện và ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn.
Để đào tạo trí nhớ dài hạn, những thay đổi trong lối sống và chiến thuật Saga.vn chia sẻ tiếp theo đây hy vọng sẽ mang lại hiệu quả cho bạn.

ĐỐI VỚI KẾT QUẢ BỀN VỮNG (TRÍ NHỚ DÀI HẠN)

Nói một cách đơn giản, trí nhớ dài hạn là về những điều chúng ta nhớ trong hơn một vài phút. Nó lưu trữ số lượng thông tin không giới hạn, và các chuyên gia vẫn tranh luận về việc liệu chúng ta có bao giờ quên bất cứ điều gì hay chỉ trở nên khó lấy lại những thứ đã lưu trữ trong trí nhớ.
“Trí nhớ của bạn là một con quái vật; bạn quên nó – không phải đâu. Đơn giản là gọt giũa mọi thứ đi. Nó giữ những thứ cho bạn, hoặc che giấu mọi thứ từ bạn – và tập hợp chúng khi bạn cần gợi nhớ lại. Bạn nghĩ bạn có trí nhớ, nhưng thật ra là nó có bạn!”- John Irving
Những mẹo nhỏ, đơn giản dưới đây có thể giúp trí nhớ dài hạn làm việc tốt hơn.

NGỦ NGON

Một giấc ngủ ngon là điều quan trọng cho một tinh thần thoải mái vì não của chúng ta tự sửa chữa và tổ chức lại trí nhớ trong suốt giấc ngủ. Được biết đến như là khả biến thần kinh, quá trình này chịu trách nhiệm về các chức năng vận động, kích thích học tập, và điều chỉnh công việc của trí nhớ. Thiếu ngủ làm suy yếu các chức năng não quan trọng này.
Nhà tâm lý học Nicolas Dumay cho rằng rằng giấc ngủ bảo vệ bộ não khỏi sự lãng quên, và các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị giấc ngủ (Penn State University) nhấn mạnh rằng một đêm không ngủ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tinh thần của chúng ta nhiều như uống rượu vậy.
Với tất cả những gì đã nói trên, chúng ta cần ngủ ngon hơn cho trí nhớ tốt hơn.
Vấn đề là, khả năng ngủ của chúng ta không phụ thuộc vào những gì chúng ta làm trong vài phút hoặc vài giờ trước khi đi ngủ. Toàn bộ lối sống của chúng ta ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tuy nhiên chúng ta có thể thử nhiều chiến thuật khác nhau để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Ngủ không ít hơn tám giờ.
  • Tránh uống cà phê sau buổi trưa.
  • Không ăn vặt sau 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Đừng uống quá nhiều chất lỏng trước khi ngủ để tránh tiểu đêm.
  • Nếu bạn đi đến phòng tập gym, hãy thử tập thể dục không ít hơn 5-6 giờ trước khi ngủ.
  • Không sử dụng đồ điện tử trên giường, vì ánh sáng màu xanh lam làm giảm sự  sản sinh melatonin.
  • Nếu bạn không thể ngủ được, đừng chỉ nằm trên giường. Hãy làm gì đó (đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ); nếu không, việc mất ngủ sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Thậm chí một giấc ngủ trưa ngắn ngủi cũng có thể cải thiện trí nhớ, vì vậy hãy ghi nhớ vào lần sau khi cơ hội để thư giãn.

CUNG CẤP “THỨC ĂN” CHO TRÍ NHỚ

Bộ não con người là một cỗ máy mạnh mẽ, do đó chúng ta cần phải xử lý nó với nhiên liệu chất lượng tốt nhất, hay còn gọi là thức ăn phù hợp cho cuộc sống. Chế độ ăn giàu chất béo lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải, tăng trí nhớ và sự tập trung, cũng như cải thiện đi sự suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi già.
Các bác sĩ khuyên bạn nên ăn sáng với protein: chúng ảnh hưởng đến mức dopamine, chất dẫn truyền thần kinh kích thích việc học và sự tiếp thu thông qua cảm giác hài lòng. Vì vậy, chế độ ăn uống cân bằng ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thông tin của chúng ta.
Những thực phẩm giúp trí nhớ tốt hơn: bơ, dầu ô liu, rau xanh và tảo biển, cá, hạt óc chó, trứng, sôcôla đen và những loại quả mọng. Khi ăn liên tục những thực phẩm này, có thể bảo vệ tế bào não không bị hư hại và tăng cường trí nhớ bằng cách cải thiện lưu thông máu.
Thực phẩm cần tránh: chất béo không bão hòa và đường trắng. Loại thực phẩm đầu tiên dẫn đến nhiều bệnh, bao gồm ung thư, tiểu đường và béo phì; loại thứ hai gây ra bệnh Alzheimer, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhịp độ tập trung, và ổn định tâm trạng.
Uống nước cũng ảnh hưởng đến trí nhớ.
Não của chúng ta 73% là nước, và chỉ cần mất 2% nước sẽ làm giảm trí nhớ và các kỹ năng nhận thức khác. Không khó để tính toán lượng nước mà chúng ta cần uống để có trí nhớ tốt hơn; sử dụng công thức:


TẬP THỂ THAO

Một bí kíp khác mà mọi người đều biết nhưng lại không thực hiện chính là tập thể dục, cung cấp cho bộ não hiệu suất tối ưu.
Tại sao nó hiệu quả?
  • Trong khi tập thể dục, các tế bào sản sinh ra BDNF – neuron kích thích, chịu trách nhiệm về các chức năng nhận thức.
  • Những bài tập thể dục thường xuyên ảnh hưởng đến vùng hippocampus, một bộ phận của não liên kết với trí nhớ: nó lớn hơn 1-2% so với những người không hoạt động thể chất. Art Kramer, giáo sư tâm lý học tại Đại học Illinois giải thích: “Vùng hippocampus lớn hơn, bạn có khả năng hình thành nên những ký ức mới”.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên sống trong một phòng tập gym. Các lựa chọn thay thế là:
  • Chạy bộ. Các nhà nghiên cứu chứng minh rằng những bài tập aerobic giúp cải thiện trí nhớ.
  • Đi dạo. Nó khuyến khích sự phát triển của các tế bào, thúc đẩy sự liên kết giữa chúng và, do đó, làm não hoạt động tốt hơn.
  • Tập thể thao ngoài trời. Sự quan sát và hiệu suất trí nhớ của chúng ta cải thiện 20% khi tương tác với thiên nhiên.
  • Yoga. Các bài tập về tâm-vật có ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ và sự tập trung, tăng lượng não và cải thiện tư duy.

GIẢM STRESS

Khi stress, chúng ta không thể sản xuất và phân tích thông tin vì hormone căng thẳng cortisol. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho não.
Theo Shireen Sindi, một nhà thần kinh học thuộc Đại học McGill (Canada), “Khi bạn già đi, mức cortisol tăng kinh niên có liên quan đến suy giảm trí nhớ và có hippocampus nhỏ hơn.” Không phải là một lý do để đánh bại stress và trầm cảm hay sao?
Làm thế nào để làm điều đó?
  • Suy nghĩ tích cực.
Những cảm xúc tiêu cực làm thu hẹp tâm trí và sự tập trung, vì vậy các nhà nghiên cứu đề cập đến lý thuyết “mở rộng và xây dựng” như một cách để phát triển tư duy tích cực – một thái độ tinh thần tập trung vào mặt tươi sáng của cuộc sống. Ý tưởng là, khi chúng ta trải nghiệm những cảm xúc tích cực, bộ não của chúng ta sẽ mở ra nhiều lựa chọn, nguồn lực và kỹ năng hơn.
  • Tập thiền.
Một số nhà nghiên cứu gọi thiền như là một công cụ “thúc đẩy bộ não”, và nhiều nghiên cứu chứng minh những lợi ích cho sức khỏe của kỹ thuật này: trí nhớ tốt hơn, tập trung tăng lên, hoạt động tốt hơn trong công việc, giảm căng thẳng, tăng tâm trạng và tăng trưởng hippocampus.
Chiến thuật để thử là bài thiền heartfulness và nhịp song âm. Hoặc, thực hành thiền định với video hướng dẫn 10 phút này.
  • Âm nhạc.
Âm nhạc liên kết cả hai bán cầu não và ảnh hưởng đến kỹ năng ngôn ngữ, sự tập trung, trí nhớ và khả năng chú ý. Hơn thế nữa, chơi nhạc cụ sẽ giúp phát triển IQ cao hơn và những trí nhớ tốt hơn là nghe thụ động. Thông điệp này rất rõ ràng.
  • Một sở thích mới
Không nhất thiết phải là những sở thích tập trung tinh thần. Những nghề thủ công như đan, làm vườn, hoặc vẽ giúp tập trung trí não giống như thiền. Ngoài ra, chúng làm tăng dopamine, cải thiện trí nhớ, và ngăn ngừa sự suy giảm liên quan đến tuổi tác.
  • Học tập.
Bộ não con người tự tổ chức lại bằng cách tạo ra những mối liên kết mới giữa các nơ-ron thần kinh, mà khi không được sử dụng, nó sẽ biến mất, dẫn đến teo não. Đó là lý do tại sao việc học những thứ mới là cần thiết cho việc tăng cường nhận thức.
Với hàng loạt các khóa học trực tuyến miễn phí có sẵn trong ngày hôm nay, chúng ta có thể tiếp tục học tập và luyện tập trí não. Udemy, Coursera, hoặc Khan Academy là những tài nguyên có giá trị.

HỌC CÁCH SỐNG CHẬM

Ngày nay, đa nhiệm có vẻ như là một kỹ năng cần thiết cho những ai muốn cạnh tranh trong công việc và thành công. Người ta thậm chí còn tin rằng nó giúp ngăn chặn FOMO (fear of missing out), một hình thức lo lắng có nghĩa là “nỗi sợ không làm được gì.”
Trên thực tế, đa nhiệm sẽ làm giảm sức khoẻ và hiệu năng của não: bị tiếp thu với nhiều thông tin hơn bao giờ hết, chúng ta sử dụng ít năng lượng hơn, nhưng vẫn làm tràn ngập bộ não của chúng ta. Điều đó dẫn đến căng thẳng và có ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ.
Tại sao không xem xét triết lý sống chậm để ngăn chặn điều đó?
  1. Làm một việc một lần.
  2. Lập kế hoạch mỗi ngày.
  3. Loại bỏ những gián đoạn.
  4. Làm sạch nơi làm việc.
  5. Đừng quên nghỉ ngơi.
  6. Chọn nhịp độ công việc và cuộc sống mà thoải mái cho bạn.
  7. Không cho phép FOMO ảnh hưởng đến bạn.

RÈN LUYỆN BỘ NÃO

Các hoạt động làm cho chúng ta mệt mỏi và có những suy nghĩ đột phá tạo ra các tế bào mới trong vùng hippocampus và kích thích khả biến thần kinh. Luyện tập não bộ để có trí nhớ tốt hơn và hiệu quả hơn, bạn có thể thử:
  • Chơi giải đố
  • Làm các bài test online để kiểm tra trí nhớ
  • Chơi một loại nhạc cụ
  • Kĩ thuật ghi nhớ Mnemonics
  • Học ngoại ngữ
  • Đọc thơ thành tiếng
  • Ứng dụng luyện tập não bộ (Headspace, Calm, Muse)
  • Cung điện ký ức, tức là sức mạnh của sự hình dung (xem hướng dẫn của Nhà Vua Giải Vô địch Hoa Kỳ Joshua Foer):

TÓM LẠI…

Ghi nhớ là một kỹ năng mà chúng ta có thể cải thiện, và có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ bạn làm điều đó hiệu quả hơn. Với một lối sống lành mạnh, chúng ta có thể giữ cho trí nhớ trở nên tốt hơn trong những năm tới.

Cách để Bắt đầu Kế hoạch Phát triển Bản thân


Vào thời điểm nào đó, ai cũng đều muốn cải thiện hoặc thay đổi một vài điều trong cuộc sống. Một kế hoạch phát triển bản thân có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu mình luôn mơ ước. Dù bạn muốn chinh phục thêm nhiều thử thách, tăng cường năng suất làm việc hoặc thay đổi những thói quen không lành mạnh, việc lập kế hoạch phát triển bản thân là một cách tuyệt vời để đảm bảo thành công của bạn. Chuẩn bị một mảnh giấy, hoặc bắt đầu một cuốn nhật ký mới. Viết ra những mặt không suôn sẻ trong cuộc sống của bạn. Nhiều chuyên gia tin rằng sẽ tốt hơn khi mỗi lần bạn chỉ hướng tới một mục tiêu để giữ mình tập trung, tuy nhiên, bạn có thể muốn thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc. Xác định những lĩnh vực cụ thể trong cuộc sống đã tạo gánh nặng cho bạn trong nhiều năm tháng. Ví dụ, nếu bạn hút thuốc, bây giờ chính là thời điểm thích hợp để quyết tâm từ bỏ! Một số lĩnh vực bạn nên cân nhắc:
Sức khỏe và sự cân đối
Các mối quan hệ
Sự nghiệp
Tài chính
Những thói quen và lựa chọn lối sống
Giáo dục.
Lấy một tờ giấy và bắt đầu viết ra những điều bạn muốn đạt được. Khi bạn viết ra những mục tiêu của mình, nhiều nghiên cứu cho thấy bạn sẽ tích cực dốc sức thực hiện chúng hơn.  Tạo ra bốn đề mục phía trên cùng trang giấy. Đề mục đầu tiên nên là “Lĩnh vực Mục tiêu” và bốn đề mục sau đó nên là “Một Tháng,” “Sáu Tháng,” “Một Năm,” và “Năm Năm.” Nếu muốn, bạn có thể tiếp tục với “Mười Năm” và tương tự như vậy. Dưới phần lĩnh vực mục tiêu, hãy lên danh sách những điều bạn muốn thay đổi. Ví dụ, “Sự nghiệp” hoặc “Tài chính.” Phía dưới các đề mục thời gian, hãy viết ra những điều mà bạn muốn mình thay đổi được vào thời điểm đó.
Chắc chắn rằng những mục tiêu của bạn được viết dưới dạng câu khẳng định. Ví dụ, “Tôi sẽ…” chứ không phải là “Tôi có thể” hay “Tôi hy vọng rằng…” Các tuyên bố của bạn càng tự tin bao nhiêu thì chúng sẽ thúc đẩy bạn nhiều bấy nhiêu.
Viết ra cụ thể những mục tiêu của mình. Ví dụ, thay vì viết “Tôi sẽ giảm cân”, hãy thử “Tôi sẽ giảm 2 cân bằng cách tăng cường vận động và giảm thiểu năng lượng hấp thụ.”
Ở phía dưới cùng của trang giấy, hãy tạo một phần với tên gọi “Các bước Hành động” và viết ra những bước bạn cần thực hiện để thúc đẩy bản thân hướng tới mục tiêu. Ví dụ, “Tôi sẽ đi bộ một cây rưỡi mỗi ngày” hoặc “Tôi sẽ ăn một phần rau trộn mỗi ngày.
Bạn có đủ kỹ năng, kiến thức, công cụ và tài nguyên để biến những mục tiêu của mình thành hiện thực không? Ví dụ, bạn có thể cân nhắc tham gia một lớp học ban đêm, đầu tư vào trang thiết bị thể dục, hoặc thuê cố vấn kinh doanh. Nếu đã làm tất cả mọi việc trong khi chuẩn bị, bạn sẽ có nhiều cảm hứng và sẵn sàng hơn để thực hiện những mục tiêu của mình.Đa số các doanh nhân thành đạt thường có những cố vấn tuyệt vời trên suốt chặng đường của họ. Hãy tìm một doanh nhân, vận động viên hoặc người của công chúng thành đạt mà bạn ngưỡng mộ. Nếu bạn quen biết với họ, hãy hỏi thử liệu họ có hứng thú để tư vấn cho bạn hay không. Nếu bạn không biết họ, hãy tìm hiểu về cách thức họ đạt được những mục tiêu của chính mình. Học hỏi những điều họ đã làm và tìm nguồn cảm hứng cũng như động lực từ họ. Nhiều khả năng họ sẽ có một trang blog hoặc một bài viết chia sẻ câu chuyện thành công của chính mình. Ví dụ, “Tôi đã kiếm được một triệu đô-la đầu tiên như thế nào. Bước đầu tiên để xác định mục tiêu là bạn phải có lòng tin vào thành công của chính mình. Nếu không tin rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống của bản thân và đạt được những điều mà mình mong muốn, tốt nhất bạn nên từ bỏ việc xác định mục tiêu và làm điều khác đi. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mình, hãy quan sát thế giới xung quanh. Tất cả mọi thứ đều bắt đầu với một ý nghĩ duy nhất! Hãy loại bỏ những tiếng nói tiêu cực trong bạn, chẳng hạn như “tôi có đủ tốt không?” Có, bạn đủ tốt.
Nếu bạn cảm thấy rằng sự cam kết của mình đang dao động, hãy đọc lại những mục tiêu bạn đã đặt ra. Đồng thời, hãy viết về cách thức và lý do bạn sẽ cam kết thực hiện từng mục tiêu; tại sao những mục tiêu này lại quan trọng với bạn, chúng có ý nghĩa như thế nào với bạn, vì sao thành quả lại cần thiết và bạn sẽ làm gì để biến chúng trở thành hiện thực. Nếu không dốc hết sức lực của mình, sẽ rất khó để bạn bước tiếp. Trong quá trình chinh phục các mục tiêu, có thể bạn sẽ muốn kiểm tra lại mức độ cam kết của chính mình.
Tự hỏi rằng bạn có đang nỗ lực hết mình hay không.
Kiểm tra lại để chắc chắn rằng bạn đang theo đuổi từng mục tiêu.
Nếu bạn vấp ngã, hay chắc chắn rằng bạn sẽ muốn cam kết trở lại và tiếp tục tiến lên.
Học hỏi từ kinh nghiệm của bạn, dù thành công hay thất bại.
Nhiều chuyên gia tin rằng việc dành ra vài phút mỗi ngày để hình dung về những mục tiêu cụ thể sẽ tạo tác động đáng kể tới mức độ thành công của bạn. Trong vài trường hợp, các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc rèn luyện tinh thần cũng có hiệu quả tương tự như rèn luyện thể chất vậy. Trước khi đi ngủ vào mỗi đêm, hãy thử nhắm mắt và hình dung thành công của bạn. Trò chuyện với những người ủng hộ bạn, ví dụ như gia đình và bạn bè, về những mục tiêu cá nhân sẽ tạo cảm hứng để bạn hoàn thành chúng cũng như khiến cam kết của bạn vững vàng hơn. Bạn bè và gia đình của bạn đôi lúc sẽ hỏi về tiến độ của bạn, giúp bạn giữ tập trung vào những mục tiêu đã đặt ra. Nếu không kể với ai về những mục tiêu của bản thân, bạn sẽ dễ dàng từ bỏ chúng mà không cảm thấy chút hối hận nào.
Tất cả những người thành công đều từng mơ ước những điều không tưởng, nhưng thay vì để khó khăn khiến họ dừng bước, họ quyết định tiến lên. Hãy giữ cho suy nghĩ của mình luôn tích cực, vì ý nghĩ của bạn chính là những trở ngại lớn nhất trên con đường hướng tới thành công. Khi bạn đang lái xe, hoặc lúc ở nhà, hãy mở một đĩa CD nào đó tạo cảm hứng cũng như động viên bạn vững bước. Hãy nhớ quan sát bức tranh toàn cảnh.
Đừng để chuyện bé xé ra to.
Đừng để những nỗi sợ hãi mơ hồ ngăn trở bạn thực hiện những điều mình mong muốn.
Tìm những điểm tích cực trong hoàn cảnh tiêu cực.
Nỗ lực hết sức để gây dựng và sống trong một môi trường tích cực.
Tạo ra giá trị và sự tích cực tới cuộc sống của những người xung quanh.
Có rất nhiều cách để tự giáo dục nhằm tiếp thu thêm kiến thức về các lĩnh vực mà bạn muốn trau dồi. Tiếp xúc với thông tin về những chủ đề mà bạn cam kết cải thiện sẽ giúp bạn theo kịp được những tiến bộ gần đây nhất trong các lĩnh vực ưa thích, đồng thời tạo nguồn cảm hứng cho bạn.
Đọc báo chí địa phương để biết thêm về các lớp học.
Đến thư viện địa phương và tìm sách để đọc.
Học hỏi từ kinh nghiệm, kiến thức của người khác và đăng ký một khóa học hoặc chuyên đề trên mạng tạo cảm hứng cho bạn.
Hỏi những người bạn đã thành công trong những lĩnh vực mà bạn muốn cải thiện và các nguồn tài nguyên mà họ đã sử dụng.
Ghi chép là một quá trình chủ động và khiến bạn trở thành người chủ động học hỏi. Trong quá trình theo dõi chuyên đề hoặc lắng nghe một đĩa CD truyền cảm hứng, hãy viết ra những điều bạn đã học được. Những điều đó sẽ được áp dụng vào cuộc sống của bạn như thế nào? Việc ghi chép sẽ giữ cho những thông tin mà bạn đang học hỏi luôn tươi mới và giúp bạn theo dõi tiến độ của chính mình.
Thật lòng mà nói, nếu không nghĩ về những mục tiêu của mình, bạn sẽ không thể biến chúng thành sự thật. Nếu bạn không cố gắng thực hiện mục tiêu của mình, chúng sẽ đơn thuần chỉ là những điều ước. Vào một khoảng thời gian định sẵn, giả dụ như mỗi buổi sáng thứ hai, hãy xem lại tiến bộ của bạn trong tuần trước và đặt ra những công việc mới cho tuần tiếp theo, những bước đi sẽ thúc đẩy bạn đến gần mục tiêu cuối cùng hơn. Đọc lại những mục tiêu của mình hàng tuần sẽ nhắc nhở bạn về tầm quan trọng của chúng và giúp bạn nhận thức rõ ràng về những điều mình thực sự mong muốn trong cuộc sống.
Kiểm tra xem bạn có đang theo kịp những thời hạn mình đã đặt ra hay không. Có lẽ bạn cần hành động với tần suất cao hơn và thực hiện thêm nhiều bước nhỏ để đạt được các mục tiêu của mình.
Hãy chắc chắn rằng bạn vẫn đang thử thách chính mình. Nếu mục tiêu đang trở nên quá dễ dàng để đạt được, có thể bạn sẽ muốn chúng khó khăn hơn đôi chút bằng cách thêm vào một vài yếu tố mới. Ví dụ, “Tôi chạy ba cây số mỗi ngày” thay vì “Tôi chạy 750 mét mỗi ngày.”
Kiểm tra xem các mục tiêu có còn tạo cảm hứng cho bạn hay không. Nếu không, hãy điều chỉnh chúng cho đến khi bạn cảm thấy hứng khởi hơn.

Lời khuyên

  • Bắt đầu với những mục tiêu mà bạn có thể đạt được trong thời gian ngắn, bạn sẽ không bị nản chí bởi khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành.
  • Đừng nóng vội. Hãy thực hiện từng bước một để đạt được những kết quả tích cực.
  • Ăn mừng thành công khi bạn hoàn tất một mục tiêu mà mình đặt ra.
  • Khi tìm kiếm thông tin, hãy lựa chọn những quyển sách, đĩa CD và các khóa học liên quan. Ví dụ, nếu bạn muốn trả hết nợ nần, hãy tìm đọc những quyển sách về sự tự do tài chính.
  • Có một người đồng minh đáng tin cậy để đảm bảo rằng bạn sẽ không từ bỏ.

Cảnh báo

  • Hãy nhớ rằng những thay đổi này cần thời gian. Kiên định theo đuổi chúng sẽ đem tới thành công thực sự cho bạn.

CÁCH ĐỂ DẪN DẮT CÂU CHUYỆN NHƯ NHỮNG DIỄN GIẢ TRÊN TED TALKS


Bạn có muốn có được bí quyết để thuyết trình lôi cuốn như các diễn giả trên TED talks không? Akash Karia đã nghiên cứu hơn 200 bài TED talks phổ biến nhất cho cuốn sách của mình, TED Talks Storytelling. Ông đã phân tích cấu trúc, thông điệp và cách phát biểu của từng bài thuyết trình và phát hiện ra rằng, “thành phần ma thuật” đã làm cho mỗi bài thuyết trình của TED trở nên quyến rũ là do tất cả các diễn giả đều đã thuần thục nghệ thuật kể chuyện.


Dựa trên nghiên cứu này và các nghiên cứu thực tế được rút ra từ các bài thuyết trình của Sir Ken Robinson, Susan Cain, Mike Rowe và Malcolm Gladwell, Karia đã đưa ra bảy nguyên tắc cốt lõi mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để kể những câu chuyện có ảnh hưởng lớn.

1. CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU

Karia bắt đầu phân tích về cách kể chuyện hay nhất tại TED bằng cách nêu bật tầm quan trọng của việc bắt đầu mọi bài phát biểu với một câu chuyện hấp dẫn. Ông không khuyến khích việc sử dụng các kiểu phát biểu khai mạc truyền thống như giới thiệu bản thân. Điều này làm cho bài thuyết trình mất đi sức hút ngay từ đầu, vì khán giả nhiều khả năng sẽ cảm thấy chán sớm. Mặt khác, nếu diễn giả đi ngay vào một câu chuyện có liên quan thì họ sẽ dễ dàng thu hút được sự chú ý và giữ cho khán giả tập trung hơn.

2. SỨC MẠNH CỦA SỰ MÂU THUẪN

Những câu chuyện được kể bởi những diễn giả tài năng nhất của TED không phải là những câu chuyện bình thường. Đó đều là những câu chuyện cá nhân có chứa mâu thuẫn, khiến cho khán giả tò mò về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những mâu thuẫn làm khuấy động cảm xúc của người nghe. Chính vì thế, nó khiến cho khán giả có thể giữ được sự tập trung và quan tâm trong suốt bài thuyết trình. Hơn nữa, vì đó là những câu chuyện cá nhân nên chúng đều là những thông tin hoàn toàn mới mẻ – những nội dung mà khán giả chưa từng nghe trước đây –  và khán giả sẽ đón nhận chúng một cách tự nhiên hơn.

3. TẠO RA HÌNH ẢNH QUA LỜI NÓI

Một khía cạnh quan trọng khác cần lưu ý trong việc kể chuyện là thay vì chỉ kể chuyện đơn thuần, những diễn giả tài giỏi mà Karia đã nghiên cứu còn tạo ra những hình ảnh trực quan. Khi mô tả các nhân vật, những người diễn giả tài giỏi cung cấp rất nhiều chi tiết — không chỉ những mô tả về hình thể mà cả những thói quen kỳ quặc trong tính cách nữa. Mục tiêu của họ là giúp cho người nghe tưởng tượng ra câu chuyện. Bằng cách sử dụng hình ảnh thay vì lời nói, khán giả có thể trải nghiệm hoàn toàn câu chuyện của diễn giả khi mỗi một chi tiết đều chậm rãi hình tượng hóa câu chuyện.

4. HÃY NHỚ ĐẾN VAKOG

Một phần quan trọng của việc vẽ nên một bức tranh trong tiềm thức của người nghe là thông qua việc khai thác năm giác quan của chúng ta: thị giác (Visual) , thính giác (Auditory), xúc giác(Kinesthetic), khứu giác (Olfactory) và vị giác (Gustatory) mà Karia đã rút gọn lại thành “VAKOG.” Bằng cách kết hợp các giác quan này trong câu chuyện, khán giả có thể hình dung ra câu chuyện giống như một bộ phim, bởi diễn giả đã mang lại thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác và vị giác thông qua lời nói của mình.

5. HÃY THẬT CỤ THỂ

Karia cũng nhấn mạnh tác động của việc nói một cách cụ thể trong kể chuyện. Thay vì nói, “Tôi đã nói chuyện với một nhóm đông người,” hãy nói: “Tôi đang nói chuyện với một nhóm 500 CEO.” Bằng cách sử dụng các nhân vật, ngày tháng chính xác và cảnh vật chi tiết, diễn giả có thể thiết lập độ tin cậy trong câu chuyện của mình. Càng có nhiều chi tiết cụ thể thì khán giả càng có thể liên hệ được đến những gì đang được nói.

6. DUY TRÌ SỰ TÍCH CỰC

Một yếu tố khác mà Karia nhấn mạnh là việc sử dụng những câu chuyện tích cực. Đây là những câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho khán giả vì bản chất lạc quan mà chúng mang lại. Khán giả rời khỏi sự kiện với cảm giác rằng, họ cũng có thể thành công. Ngoài ra, Karia còn phân biệt rõ đối thoại với tường thuật. Đối thoại đưa khán giả vào trong câu chuyện trong khi tường thuật chỉ có thể giúp người nghe hiểu một cách hời hợt mà thôi. Thông qua việc sử dụng đối thoại, cách kể chuyện sẽ trở nên hấp dẫn và sinh động.

7. CẤU TRÚC CÂU CHUYỆN

Cuối cùng, Karia đề nghị sử dụng cấu trúc câu chuyện theo lối cổ điển: mâu thuẫn, truyền lửa (sự hiểu biết hoặc một quá trình nào đó đã truyền cảm hứng cho nhân vật để vượt qua xung đột), thay đổi (sự kiện tích cực xảy ra) và bài học (những gì khán giả cần học). Điều này làm cho việc kể chuyện trở nên có tổ chức và có cấu trúc hơn.
Karia đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, thành phần ma thuật trong các bài thuyết trình TED chất lượng chính là cách kể chuyện cuốn hút. Nếu bạn hiểu rõ nghệ thuật kể chuyện, bạn có thể dễ dàng thu hút khán giả. Mọi câu chuyện bản thân đều đã rất thú vị và đáng nhớ. Và cho dù bạn đang trình bày một bài TED talk hay một bài thuyết trình của công ty, nghệ thuật kể chuyện có thể biến đống tài liệu nhàm chán thành một bài thuyết trình tuyệt vời.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét